Giấm táo? Tác dụng và cách làm giấm táo giảm cân, trị mụn

Giấm táo là một trong những loại giấm thiên nhiên được sử dụng để phục vụ cho sức khỏe con người và ẩm thực. Đây là thực phẩm được tạo ra từ rất sớm, có nguồn gốc lâu đời và phổ biến ở các nước phương Tây. Tuy nhiên, nhiều người vẫn chưa biết giấm táo là gì, có tác dụng như thế nào hay cách làm giấm táo để giảm cân, trị mụn. Bài viết này sẽ giúp bạn giải đáp tất cả những thắc mắc trên. Giấm táo là gì? Mua giấm táo ở đâu? Giấm táo có tên tiếng Anh là Apple Cider Vinegar (viết tắt là ACV), được chế biến từ quả táo tươi bằng phương pháp lên men tự nhiên. Thành phần bao gồm các loại axit amin, axit axetic, vitamin, khoáng chất và nước. Giấm táo có màu vàng nhạt, thơm nhẹ, vị chua thanh, độ ngọt dịu nên thường được dùng để làm các món salad trộn, tẩm ướp món ăn. Ngoài ra, nó còn được chị em phụ nữ sử dụng để chăm sóc da, giữ dáng… Hiện nay, người ta đã sản xuất ra giấm táo dạng tinh bột bằng phương pháp đông khô, tách nước ra khỏi giấm dạng nước để dễ sử dụng, giúp thích ứng với cơ thể tốt hơn. Đồng thời, giúp cho việc bảo quản trở nên đơn giản để sản phẩm giữ được lâu hơn. Giấm táo có thể dễ dàng mua được ở các chợ, siêu thị hay cửa hàng tiện lợi trên toàn quốc với nhiều mẫu mã, chủng loại khác nhau tùy theo nhu cầu và mục đích sử dụng. Cách làm giấm táo cũng không quá phức tạp, nếu có thời gian bạn nên tự làm tại nhà để tiết kiệm chi phí. Tác dụng của giấm táo cho cơ thể mà bạn nên biết Giấm táo là một phương thuốc dân gian cổ đại và được sử dụng trong ẩm thực nhờ góp phần tạo nên hương vị thơm ngon cho nhiều món ăn. Các nghiên cứu khoa học hiện đại cũng xác nhận loại thực phẩm này mang lại nhiều lợi ích như giảm cân, giảm cholesterol, giảm lượng đường trong máu và chống đái tháo đường type 2. Dưới đây là những tác dụng của giấm táo đối với sức khỏe: Giảm cân, giảm mỡ bụng Các nhà khoa học đã chứng minh axit axetic trong giấm táo giúp ngăn chặn sự tích tụ mỡ trong cơ thể, hạn chế sự thèm ăn, đẩy mạnh quá trình trao đổi chất và làm giảm khả năng giữ nước. Hàm lượng pectin của thực phẩm này cũng hạn chế khả năng hấp thụ chất béo của cơ thể. Một nghiên cứu ở những người béo phì cho thấy, tiêu thụ 15ml giấm (1 muỗng canh) mỗi ngày trong 12 tuần giúp giảm khoảng 1,2kg. Bảo vệ, chống ung thư và tăng cường hệ miễn dịch Mặc dù chưa có kết luận chính thức nhưng một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng loại giấm này có thể tiêu diệt tế bào ung thư và thu nhỏ các khối u. Ngoài ra, các axit malic trong giấm là chất kháng virus mạnh mẽ, giúp cải thiện khả năng miễn dịch một cách tổng thể. Hòa tan 1 muỗng cà phê giấm táo và 1 muỗng cà phê mật ong trong ly nước ấm rồi uống sẽ giúp giảm ho, nghẹt mũi do cảm lạnh. Trị táo bón, ợ nóng và giảm triệu chứng ruột kích thích Chất xơ trong táo giúp làm dịu hệ tiêu hóa, ngăn ngừa đau bụng, đầy hơi và táo bón. Pha 2 muỗng canh giấm với nước lọc hay nước ép táo và uống 3 lần trong ngày có tác dụng như một loại thuốc nhuận tràng, giảm ợ nóng và các triệu chứng ruột kích thích. Ngăn ngừa mụn, làm đẹp cho da Giấm táo có thể loại bỏ các cặn bẩn gây mụn, ngăn ngừa tình trạng bít lỗ chân do vi khuẩn, bã nhờn và bụi bẩn từ đó giúp làm sạch da. Loại giấm này cũng giúp cân bằng độ pH của da để bạn sở hữu một làn da trắng sáng, mịn màng và săn chắc. Trị gàu làm sạch da đầu và nuôi dưỡng tóc Với các đặc tính làm đẹp và kháng nấm men tự nhiên, giấm táo giúp ngăn ngừa và trị gàu hiệu quả, làm sạch lỗ chân lông và nang tóc. Đặc tính làm sáng của giấm cũng có tác dụng loại bỏ tế bào chết, cặn bẩn hay hóa chất trên da dầu, giúp mái tóc khỏe mạnh, sáng bóng và mềm mại. Giảm huyết áp và hỗ trợ điều trị tiểu đường Khả năng giảm huyết áp là do tác dụng làm tăng sản sinh nitric oxide giúp thư giãn mạch máu, tác động có lợi trên hệ tim mạch. Người mắc bệnh tiểu đường type 2 có thể dùng giấm để cải thiện chức năng insulin và giảm lượng đường trong máu, tuy nhiên cần tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng. Cải thiện tiêu hóa, giải độc gan Nhờ chứa nhiều enzyme và amino axit cũng như các vi khuẩn có lợi mà loại giấm này rất tốt cho những người có vấn đề về hệ tiêu hóa, giúp hấp thu chất dinh dưỡng, giảm cơn đói,… Uống giấm pha loãng còn giúp cơ thể thanh lọc, giải độc gan, làm sạch bạch cầu và kích thích hệ tuần hoàn tim mạch. Trị hôi miệng và ngừa viêm nhiễm nấm candida Axit axetic và axit malic có thể tiêu diệt vi khuẩn trong miệng, làm giảm màu vàng của răng, giúp cải thiện sức khỏe răng miệng một cách đáng kể. Các loại axit trên cũng có đặc tính kháng khuẩn, kháng sinh, chống nấm và giúp kiểm soát sự lây lan của nấm candida trong ruột, giúp cải thiện cấu tạo hệ đường ruột. Cách làm giấm táo thơm ngon từ táo mèo Với những công dụng tuyệt vời của giấm táo, bạn không còn lý do chần chừ mà hãy bắt tay vào thực hiện ngay để sử hữu một hũ giấm trong gian bếp gia đình. Nguyên liệu Táo mèo: 200g Nước ấm: 1 lít Chuối chín: 1 quả (chuối sứ hoặc chuối già) Dụng cụ: bình, hũ đựng (thể tích 2 lít), thau, khăn xô, vải màn hoặc giấy thấm dầu Các bước làm Rửa táo Táo mèo mua về cắt bỏ phần đầu và đuôi chứa nhiều bụi bẩn, sâu mọt cũng như những phần bị dập nát. Bổ đôi hoặc cắt táo thành những lát mỏng rồi ngâm vào thau nước có pha 1 muỗng canh muối trong khoảng 10 – 15 phút. Sau đó vớt táo ra, để thật ráo nước. Tiến hành làm giấm táo Cho táo vào bình hoặc hũ đựng đã rửa sạch, thêm vào 1 quả chuối chín. Đổ nước ấm 40 – 50 độ C vào hũ sao cho ngập hết phần táo và chuối. Dùng khăn, vải sạch hay giấy thấm dầu phủ lên miệng hũ rồi đậy nắp lại. Để hũ giấm nơi thoáng mát, tránh ánh nắng trực tiếp. Sau khoảng 30 – 35 ngày, mở nắp ra, gạn bỏ hết phần xác táo và chuối qua một chiếc khăn sạch. Dự trữ giấm đã chiết trong hũ thủy tinh để dùng dần. Thành phẩm Giấm đạt chuẩn sẽ có một lớp màng mỏng trắng phía trên, màu vàng nhạt, trong, không có cặn, mùi thơm dễ chịu và không có côn trùng bu quanh. Khi nếm thử có vị chua, ngọt nhẹ nhưng không gắt. Giấm táo sẽ mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe nếu sử dụng đúng cách và đúng liều lượng. Hy vọng bài viết này đã cung cấp những thông tin bổ ích để bạn hiểu thêm về một loại thực phẩm tốt, biết cách làm giấm táo để phục vụ trong nấu ăn, làm đẹp và chăm sóc sức khỏe gia đình. Thường xuyên theo dõi chuyên mục Kiến thức nghề bếp của Disneycooking để trang bị cho bản thân những kiến thức lẫn kỹ năng mới trong quá trình học nấu ăn bạn nhé!